--> -->
Trang chủ Việt Nam hôm nay
16:57 | 02/06/2025 GMT+7
Theo dõi thoidai.com.vn trên

Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm

Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.
Tổng Bí thư: Việt Nam tri ân sự giúp đỡ chí tình của các chuyên gia Nga
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thắp lên ngọn lửa Đổi mới-Khát vọng-Hành động

Tiết kiệm và chống lãng phí là hai thành tố gắn bó hữu cơ với nhau, là hai trụ cột để đi tới thịnh vượng, giàu có đối với cả phạm vi gia đình, đất nước và xã hội.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là điều cần làm trong cuộc sống của từng cá nhân và toàn xã hội, là “hòn đá tảng” góp phần xây dựng một xã hội văn minh, phát triển bền vững. Đó phải là trách nhiệm chung và cần trở thành nếp sống, thành văn hóa hàng ngày của mỗi chúng ta.

Văn hóa Việt Nam là nền văn hoá gắn liền với sự đề cao lối sống tiết kiệm, giản dị. Từ đó, việc thực hành tiết kiệm của người Việt đã được đúc kết thành ca dao, tục ngữ, truyền miệng từ đời này sang đời khác[1], như “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí” , “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”; “Được mùa chớ phụ ngô khoai/Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”; “Nên ăn có chừng, nên dùng có mực”; “Tiết kiệm sẵn có đồng tiền/Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Thầy của cách mạng Việt Nam là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm.

Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Ngay sau khi lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, trước nguy cơ giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đe dọa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó Người đặc biệt đề cao việc phát động phong trào tăng gia tiết kiệm để chống đói, xây dựng đất nước.

Bác Hồ đã nhiều lần giải thích rõ về tiết kiệm để mọi người hiểu cho đúng, để thực hiện cho tốt: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi…; Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa xỉ… Vì vậy, xa xỉ có tội với Tổ quốc, với đồng bào”[2]. Bác coi tiết kiệm là một nghệ thuật quan trọng của đời sống xã hội. Bác nhấn mạnh phải tiết kiệm sức lao động: “Một người làm bằng hai, ba người”[3]; tiết kiệm thời gian: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[4]. Bác yêu cầu Chính phủ phải tiết kiệm tiền của, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm xương máu của bộ đội, chiến sỹ và nhân dân: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”[5], “Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh”[6] nên “phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc”[7]. Hay, tiết kiệm lời nói: “Nói ít, làm nhiều”[8], “bắt đầu bằng hành động”[9].

Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm vấn đề thực hành tiết kiệm, coi đây là quốc sách hàng đầu. Trong chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đi đầu nêu gương của Bác, của cán bộ, đảng viên, việc chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm, mỗi người dân đều thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn, nhịn mặc, hy sinh mọi quyền lợi vật chất cá nhân để dồn sức cho tiền tuyến, giúp tập trung nguồn lực giải phóng đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, ban hành nhiều Chỉ thị về vấn đề này, như Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xác định rõ “Tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng… các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về:…. cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, không cho phép đảng viên “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi”.

Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Pháp lệnh về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; được Quốc hội khóa XI nâng lên thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và được Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Hiến pháp năm 2013 cũng hiến định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước” (Điều 56); hàng năm và theo giai đoạn, Chính phủ đều ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hành tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên đã chú trọng thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao vai trò của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm. Một số cơ quan, đơn vị khi tổ chức đại hội hay các dịp kỷ niệm ngày thành lập đã có văn bản thông báo “thực hành tiết kiệm, không nhận hoa chúc mừng”.

Nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết đã được các cấp, các ngành tổ chức theo hướng ngắn gọn, đơn giản, tiết kiệm thời gian, không sử dụng tài liệu giấy, tổ chức họp trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

Việc sử dụng xe chung cho cán bộ cấp cao trong các chuyến công tác cũng được triển khai ở nhiều nơi. Tình trạng đất bị bỏ hoang, quy hoạch “treo” từng bước được khắc phục. Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc cơ bản đã thực hiện đúng mục đích và định mức, tiêu chuẩn.

Nhiều doanh nghiệp tăng cường quản lý các định mức liên quan đến chi phí sản xuất, nhất là các chi phí gián tiếp để hạ giá thành sản phẩm; cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý định mức tiêu hao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, từ cuối năm 2024 đến nay, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc ở cấp Trung ương và địa phương; qua đó tinh giảm đầu mối, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện để thực hiện ngay chủ trương miễn giảm học phí cho học sinh.

Ngoài ra, theo tính toán sơ bộ, khi thực hiện chủ trương mà Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã thống nhất về sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập cấp xã, riêng tiết kiệm chi thường xuyên hàng năm.

Theo tính toán sơ bộ, khoản tiết kiệm của chi thường xuyên của ngân sách nhà nước giai đoạn 2025-2030 là hơn 20.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2030 trở đi, mỗi năm tiết kiệm trên 30.000 tỷ đồng. Đó là chúng ta chưa tính giá trị cụ thể của hơn 18.500 trụ sở các cơ quan, đơn vị không còn chức năng “công sở” khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bên cạnh kết quả, việc thực hành tiết kiệm vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đạt hiệu quả rất thấp. Các chủ trương, chính sách tiết kiệm chưa thật sự phát huy hiệu quả; sự lãng phí, thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước đã và đang diễn ra trên phạm vi rộng gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Thực hành tiết kiệm chưa thành nề nếp thường xuyên; tiết kiệm chưa trở thành ý thức thường trực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Lãng phí không chỉ tồn tại ở các cơ quan nhà nước mà ngay trong hoạt động xã hội của người dân. Xu hướng sính dùng hàng ngoại, hàng xa xỉ, hàng hiệu, tặng quà biếu với giá trị lớn; tâm lý hưởng thụ của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ, trong khi thu nhập bình quân của cả nước mới vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, năng suất lao động thấp… là những biểu hiện đáng lo ngại của việc thực hành tiết kiệm.

Bên cạnh những cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính đảng, gương mẫu, đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có tinh thần trách nhiệm cao trong quản lý, sử dụng, tiết kiệm tài sản công, không rơi vào “vòng xoáy” của quyền lực, tiền tài, xa hoa, hưởng thụ... vẫn còn một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thích hưởng thụ, thích vật chất, gây thất thoát kinh phí, tài sản, lãng phí trong tiêu dùng, sử dụng công quỹ cho chi tiêu cá nhân, nhóm lợi ích.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do ý thức trách nhiệm, sự quyết tâm của một số cơ quan, tổ chức và cá nhân chưa cao, chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, cơ chế chính sách, nội quy, quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều kẽ hở.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có lúc, có nơi còn hình thức, chiếu lệ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tự giác trong việc xây dựng các giải pháp để triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực, phạm vi được giao quản lý.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống, các quy định còn chung chung, dẫn đến chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả trong triển khai.

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tế cuộc sống của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi gia đình và từng cá nhân, chưa đưa ra được các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể.

Nhiều lãng phí, sai phạm đã được phát hiện nhưng chậm được xử lý; chưa kịp thời tuyên dương, khen thưởng người thực hiện tiết kiệm hoặc phát hiện lãng phí khiến việc tuân thủ pháp luật chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao.

Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã thống nhất rất cao những quyết sách lịch sử, trong đó, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã, tạo tiền đề tạo chuyển biến căn bản trong thực hành tiết kiệm ở nước ta trong giai đoạn mới.

Để đạt yêu cầu cao nhất trong giai đoạn cách mạng mới mà Hội nghị Trung ương 11 đã thống nhất, đó là “phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững”, “chủ động, tự cường và tự chủ trong phát triển” nhằm đạt mục tiêu cao nhất “ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân”, thực hiện thắng lợi hai mục tiêu 100 năm, cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những giải pháp căn cơ nhất để đất nước vượt qua mọi bão giông trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, tiết kiệm là một trong những yếu tố then chốt tạo ra tiềm lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, dù là một đất nước nghèo nàn về kinh tế, cuộc sống vật chất của người dân khó khăn, thậm chí trong hoàn cảnh “giặc đói” hoành hành, nhưng chúng ta vẫn “thắt lưng buộc bụng”, dồn sức cho kháng chiến, giành cơm gạo cho chiến trường và đã đánh thắng bọn thực dân, đế quốc xâm lược hùng mạnh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước những khó khăn, thách thức mới, với truyền thống kiên cường, bất khuất, với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy cao độ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sẽ tạo nguồn sức mạnh nội sinh, nội lực to lớn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, giúp đất nước vững vàng tiến lên, đạt các mục tiêu chiến lược, đồng thời chăm lo tốt hơn cho đời sống người dân.

Do vậy, mọi công dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, thực hiện hợp lý hóa việc thu-chi hợp lý; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia; mọi ngành, mọi nghề, mọi nhà, mọi người đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động sản xuất, triệt để thực hành tiết kiệm, hạn chế tới mức thấp nhất sự lãng phí cả về thời gian, tiền bạc, của cải, sức lực.

Thứ hai, triển khai mạnh mẽ các giải pháp căn bản nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trọng tâm là: (i) Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở khắc phục triệt để những lãng phí do thể chế gây ra, xóa bỏ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cản trở phát triển, khơi thông các điểm nghẽn tạo nền tảng cho phát triển, nhất là các vấn đề liên quan đến đấu thầu, ngân sách, đầu tư công, kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo cơ sở chính trị pháp lý toàn diện, vững chắc cho thực hành tiết kiệm ở mọi ngành, mọi nghề, mọi cán bộ, đảng viên và người dân.

(ii) Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm. Trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh.

(iii) Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, muốn hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, yếu tố rất căn cốt đó là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc đúng đắn để đạt hiệu quả cao nhất ở mỗi lĩnh vực mà họ đảm trách. Trong đó, kỹ năng quản lý, thực thi nhiệm vụ; sự say mê, nhiệt huyết và trách nhiệm trong mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ được giao; văn hóa chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, ý thức chủ động tiết kiệm… là những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ trong tổ chức bộ máy mới.

(iv) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy. Kiên quyết triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và phát triển kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.

Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

(v) Tạo hành lang pháp lý, nguồn lực để kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, tạo điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội đóng góp, tăng năng suất lao động, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ ba, xây dựng văn hóa tiết kiệm; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Nghiên cứu phát động và duy trì thường niên “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” để thúc đẩy, lan tỏa phong trào toàn xã hội nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm. Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tấm gương cán bộ, chiến sỹ, người dân có những sáng kiến trong công tác, phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hành tiết kiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, đảng viên chưa thực hiện đầy đủ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lấy đây là một trong những giải pháp căn cơ góp phần xây dựng văn hóa tiết kiệm.

Trong Báo cáo trước Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản, V.I. Lenin nhấn mạnh: “Dù sao, chúng tôi cũng phải tinh giản bộ máy nhà nước đó, phải hết sức tiết kiệm, càng nhiều càng tốt. Chúng tôi tiết kiệm về mọi mặt, đến cả những chi phí về trường học. Phải làm như thế vì chúng tôi biết rằng, nếu không cứu vãn được công nghiệp nặng, nếu không khôi phục được công nghiệp nặng, thì chúng tôi sẽ không thể xây dựng được công nghiệp nào cả, và nếu không có công nghiệp, thì nói chung, chúng tôi sẽ diệt vong, không còn là một nước độc lập nữa”[10].

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là”[11]; để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới và thành công, nhất định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải ra sức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

[1] Xem thêm: Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 1996; Phúc Hải, Tuyển chọn tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản Thời đại, 2014; Mai Khanh, Thành ngữ - tục ngữ, ca dao - dân ca Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2022…

[2] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.122-124

[3] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.181

[4] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.122

[5] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.70

[6] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.335

[7] Sđd, tập 4, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tr.229

[8] Sđd, tập 5, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tr.217

[9] Sđd, tập 3, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tr.457

[10] Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG-ST, H.2005, tập 45, tr.333-334

[11] Báo Nhân dân, số 2149 ngày 05/2/1950, tr.2

TÔ LÂM, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.vn/bai-viet-thuc-hanh-tiet-kiem-cua-tong-bi-thu-to-lam-704216.html

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình
Tổng Bí thư Tô Lâm: Vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Belarus ngày càng bền chặt Tổng Bí thư Tô Lâm: Vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Belarus ngày càng bền chặt

Theo Báo Hànộimới
Nguồn: hanoimoi.vn

Tin bài liên quan

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII

Chiều 19/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư: Xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới

Tổng Bí thư: Xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới

Tổng Bí thư yêu cầu xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới: phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư: Người có công là tài sản quý, là biểu tượng của ý chí Việt Nam

Tổng Bí thư: Người có công là tài sản quý, là biểu tượng của ý chí Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các thương binh, bệnh binh, người có công.

Đọc nhiều

Nhiều nước gửi lời chia buồn với Việt Nam vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long

Nhiều nước gửi lời chia buồn với Việt Nam vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long gây thương vong lớn. Trước mất mát này, lãnh đạo Cuba và Đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam đã gửi lời chia buồn sâu sắc, bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Những nỗ lực phục dựng Nỏ thần An Dương Vương

Những nỗ lực phục dựng Nỏ thần An Dương Vương

Lịch sử và huyền sử Việt Nam thời cổ đại có rất nhiều hướng tiếp cận, và chuyện về nỏ thần cũng là một hướng. Có nhiều ý kiến cho rằng nỏ thần chính xác có từ thời đại Hùng Vương, một lần bắn là có thể giết rất nhiều quân giặc, giúp người Việt chiến thắng quân Tần và khiến Triệu Đà sợ hãi không bao giờ dám xâm phạm Văn Lang - Âu Lạc. Nguyên lý đặc biệt của nỏ là nhờ lực trọng trường, sức mạnh cực đại ở khoảng cách xa nhất để giết được giặc.
Hiến máu nhân đạo nối nhịp cầu sẻ chia giữa Việt Nam và Thái Lan

Hiến máu nhân đạo nối nhịp cầu sẻ chia giữa Việt Nam và Thái Lan

Ngày 20/7, Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Chương trình Hành trình Đỏ tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo. Hoạt động không chỉ góp phần bổ sung nguồn máu phục vụ điều trị, mà còn là dịp để cộng đồng người Thái và người Việt cùng lan tỏa tinh thần nhân ái, xây dựng nhịp cầu sẻ chia và vun đắp quan hệ hữu nghị hai nước.
Đổi mới văn kiện Đại hội Đảng XIV: Sáng rõ con đường bước vào kỷ nguyên mới

Đổi mới văn kiện Đại hội Đảng XIV: Sáng rõ con đường bước vào kỷ nguyên mới

Đại hội XIV có một điểm mới cần lưu ý là văn kiện trình Đại hội sẽ không phải là các báo cáo riêng rẽ như ở các Đại hội trước, mà được tích hợp thành một báo cáo duy nhất, xuyên suốt là Báo cáo Chính trị.
Tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Ngày 19/7, phát biểu tại buổi gặp gỡ hơn 70 đại biểu trí thức trẻ Việt Nam từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Multimedia

Xem trên
so doanh nghiep thanh lap moi va quay tro lai hoat dong tang 265
infographic ky nang tranh bay lua dao du lich mua cao diem
infographics canh bao gia mao loi dung danh nghia mat tran to quoc de huy dong ung ho
Xin chờ trong giây lát...
[Video] Người truyền cảm hứng về tình yêu nước
Sinh viên Lào đi chùa tắm Phật mừng Tết cổ truyền Bunpimay
[Video] 60 phút - Hành trình thay đổi cuộc đời
MV "Bắc Bling": Cụ già, em nhỏ ngân nga, du khách gần xa tỏ bày hứng thú
[Video] Dự án CAF: Ươm mầm những công dân toàn cầu tương lai
[Video] Du khách quốc tế trải nghiệm lễ Phật đầu năm tại chùa Tam Bảo (Đà Nẵng)
Tết của bác sĩ trực cấp cứu - hồi sức tích cực
Đại sứ nhóm G4 hát "Năm qua đã làm gì"
[Video] Bản hòa ca tình hữu nghị chào năm mới 2025
[Video] 30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: từ chiến tranh đến đối tác chiến lược toàn diện
[Video] Samaritan’s Purse và Plan International Việt Nam hỗ trợ người dân Việt Nam phục hồi sau bão
[Video] Tái thiết thôn Làng Nủ: Quân đội - Nhân dân đồng hành xây dựng tương lai mới
Người dân chủ động theo dõi thời tiết, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó bão số 3 (Wipha)

Người dân chủ động theo dõi thời tiết, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó bão số 3 (Wipha)

Sáng 19/7, bão số 3 (Wipha) đã vượt qua đảo Lu Dông (Philippines), tiến vào Biển Đông với cường độ ngày càng mạnh. Dự báo trong những ngày tới, bão có thể đạt cấp 12, giật cấp 14, gây mưa lớn, biển động dữ dội, nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy, sạt lở. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết, chủ động phòng tránh, chằng chống nhà cửa, không ra khơi và chuẩn bị các phương án ứng phó thiên tai phù hợp.
Những khuyến cáo người dân cần lưu ý để đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão số 3

Những khuyến cáo người dân cần lưu ý để đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão số 3

Sáng 20/7, cường độ bão số 3 (Wipha) mạnh lên đầu cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15. Dự báo trong hôm nay và những ngày tới, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây, sau chuyển tây tây nam hướng về phía nước ta với tốc độ 20-25km/h. Trước diễn biến của bão, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Thời tiết hôm nay (19/7): Bão số 3 (Wipha) sắp vào biển Đông

Thời tiết hôm nay (19/7): Bão số 3 (Wipha) sắp vào biển Đông

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 19/7, bão Wipha đi vào Biển Đông, trở thành bão số 3. Dự báo cơn bão này sẽ mạnh lên khi đi vào Biển Đông.
Thời tiết hôm nay (18/7): Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Thời tiết hôm nay (18/7): Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm nay (18/7) áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là WIPHA.
Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định số 191/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Thời tiết hôm nay (12/7): Mưa lớn cục bộ, lốc, sét ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An

Thời tiết hôm nay (12/7): Mưa lớn cục bộ, lốc, sét ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 12/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến: 10–30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.