--> -->
Trang chủ Hữu nghị Bốn phương kết bạn
16:52 | 24/07/2025 GMT+7
Theo dõi thoidai.com.vn trên

Những nhịp cầu đưa văn học Ba Lan đến với bạn đọc Việt Nam

Suốt hơn bảy thập kỷ, từng trang sách Ba Lan đã vượt ngôn ngữ, vượt khoảng cách địa lý để đến với độc giả Việt Nam. Đằng sau đó là những dịch giả lặng lẽ nhưng đầy đam mê, kiên trì làm nhịp cầu nối hai nền văn học.
Văn hóa Việt tỏa sáng tại thủ đô Ba Lan
Người Việt tại Ba Lan: cộng đồng đoàn kết, hệ thống tổ chức hội đoàn đầy đủ trên các lĩnh vực

Ngay trong những năm đầu của thập kỷ 50 của thế kỷ XX, tại chiến khu Việt Bắc, Tạp chí Văn nghệ đã giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam các tác giả Ba Lan như Broniewski, Iwaszkiewicz, Galczynski, Kruczkowski, Żukrowski. Một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại thi hào Adam Mickiewicz, Nhà xuất bản (NXB) Văn học Nghệ thuật xuất bản cuốn Adam Mickiewicz nhà thơ vĩ đại của nhân dân Ba Lan và thế giới.

Cho đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, việc dịch văn học Ba Lan tại Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua tiếng Pháp (Hoàng Trung Thông, Nguyễn Viết Lãm, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh) và tiếng Nga (Vũ Đình Bình, Hồng Thanh Quang). Phần lớn các tác phẩm được giới thiệu là thơ, truyện ngắn và trích đoạn. Năm 1956, trong tập thơ Gửi người mai sau, hai nhà thơ Ba Lan - Broniewski và Jastrun - đã được dịch và giới thiệu. Từ năm 1960, các NXB như Văn học, Văn hóa, Lao động, Thanh niên, Nghệ thuật liên tiếp đưa tới độc giả Việt Nam các tác phẩm như Hãy nhớ lấy (1960), Juliusz và Ethel (1961) của Leon Kruczkowski, Truyện ngắn cổ điển Ba Lan (1962), Cạm bẫy, Con đường mới (1963) của Tadeusz Konwicki, Việt Nam trong trái tim tôi (1966) của Monika Warnenska. NXB Kim Đồng in tập truyện cổ Chú bé ngây thơ và con vịt và truyện cổ tích Lá đơn điện kỳ lạ, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Năm 1968, tuyển tập Thơ Adam Mickiewicz được xuất bản, trong đó có trích đoạn kiệt tác Chàng Tadeusz. Năm 1983, Nhà xuất bản Tác phẩm mới đã in tập truyện ngắn Bốn lần sinh nhật của R. Strawinski, năm 1985 Tế Hanh và Nguyễn Xuân Sanh đã xuất bản Tuyển tập thơ Ba Lan gồm 5 phần: thơ dân gian, thơ tiền lãng mạn, thơ thời kỳ Ba Lan trẻ, thơ giữa hai cuộc chiến tranh, thơ hiện đại.

Bước ngoặt quan trọng trong việc giới thiệu văn học Ba Lan ở Việt Nam có lẽ là năm 1985, khi dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ tiểu thuyết Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz - tác phẩm đoạt Nobel 1905 - do NXB Văn học phát hành. Từ cột mốc này, vị trí của văn học Ba Lan trong đời sống đọc của người Việt được nâng cao rõ rệt. Dù số lượng dịch giả không nhiều, nhưng họ đã tạo nên một bức tranh đa dạng về phong cách và gu thẩm mỹ, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để đem đến cho bạn đọc Việt Nam cái nhìn phong phú về văn học Ba Lan.

Nguyễn Hữu Dũng, nhà khoa học từng học nghiên cứu sinh tại Ba Lan (1976-1980), ngay trong năm 1985 đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng dịch thuật. Hơn ba thập kỷ, ông cho ra đời hơn chục tác phẩm dịch: Con vịt xấu xí của Andersen, NXB Kim Đồng (1985), Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz, NXB Văn học (1985), Trên sa mạc và trong rừng thẳm của Henryk Sienkiewicz, NXB Kim Đồng (1986), Đường công danh của Nikodem Dizma, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Văn học (1988), Thầy lang, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Văn học, Hania của H. Sienkiewicz, NXB Văn học (1988), Giáo sư Vintruc, Tadeusz Dolega-Mostowicz, NXB Hà Nội (1989), Con voi, tập truyện ngắn của Mrożek, NXB Phụ nữ (1989), Con hủi, Helena Mniszek, NXB Hà Nội (1990)... Sau đó, ông dành trọn 30 năm dịch bộ tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến của Henryk Sienkiewicz và bộ tiểu thuyết này đã được nhận Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam.

Dịch giả Tạ Minh Châu, được đào tạo tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Warszawa (1967-1973) và là nghiên cứu sinh những năm đầu 1990, đồng thời là một nhà thơ với ba tập thơ đã xuất bản. Ông thiên về dịch thơ: ngay sau khi nhà thơ Wisława Szymborska được trao giải thưởng Nobel văn học năm 1996, tập thơ gồm 75 bài của bà đã được Tạ Minh Châu tuyển chọn, dịch và giới thiệu, NXB Văn học ấn hành năm 1997 và đến năm 2014, NXB Hội Nhà văn đã in Thơ Szymborska chọn lọc. Nữ thi sĩ Halina Poswiatowska với tập thơ Tiếng nấc trái tim cũng do Tạ Minh Châu dịch. Có sự trùng hợp cảm động là cả hai nữ thi sĩ Ba Lan này đều có tác phẩm viết về Việt Nam. Bên cạnh đó Tạ Minh Châu cũng là tác giả bản dịch một số tác phẩm văn xuôi Ba Lan có giá trị: tập truyện Quả dâu rừng của Iwaszkiewicz (1986), Những kẻ điên rồ của M. Orion (1987), tiếu thuyết Tro tàn và kim cương của Jerzy Andrzejewski (1988). Ngày 22/09/2016, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức ra mắt tuyển thơ Phố DESCARTES của nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz, giải thưởng Nobel về văn học năm 1980 do Tạ Minh Châu chuyển ngữ. Sau khi đọc gần 1000 bài thơ của Miłosz, Tạ Minh Châu đã chọn ra gần 100 bài để dịch. Mỗi bài thơ của ông là một bản thánh ca, nó vang lên trong đau đớn nhưng ngập tràn tình yêu và khát vọng, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu.

Dịch giả Lê Bá Thự tại buổi toạ đàm Văn học Ba Lan tại Việt Nam, tháng 5/2025. (Ảnh: Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam)
Dịch giả Lê Bá Thự (ngoài cùng bên trái) tại buổi toạ đàm Văn học Ba Lan tại Việt Nam, tháng 5/2025. (Ảnh: Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam)

Với hơn 30 đầu sách, dịch giả Lê Bá Thự được xem là người có số lượng tác phẩm Ba Lan dịch nhiều nhất ở Việt Nam.

Ông từng học tại Đại học Bách khoa Warszawa (1964-1970), sau này công tác trong ngành giáo dục và ngoại giao. Những tác phẩm ông dịch trải rộng từ các tác giả cổ điển như Henryk Sienkiewicz, Bolesław Prus đến các nhà thơ nổi tiếng như Wislawa Szymborska, Czeslaw Milosz, Tadeusz Rozewicz và nhiều tác phẩm đương đại (trong đó có 14 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn), tác phẩm dành cho thiếu nhi, truyện cười. Tác phẩm dịch của Lê Bá Thự được nhiều NXB nhận in, bán chạy, được tái bản nhiều lần và được giới thiệu rộng rãi. Trong số các đầu sách dịch đã ấn hành của Lê Bá Thự phải kể đến: Pharaoh, Hoang thai, Quà của Chúa, Xin cạch đàn ông! Các người khắc biết tay tôi! Dưới cánh thiên thần rượu, Ban Công lên trời, Cô gái không là gì, Con voi, Hy vọng, Những khoái cảm khác, Vợ chưa cưới chủ nhật, Người đàn bà vô gia cư, Ở xứ vàng, Người đàn bà xấu nhất hành tinh, Chú cá mập vàng tí hon, Vì sao không nghe thấy giọng cá, Tomek ở Lục địa Đen, Cười quanh năm, Năm châu cùng cười, Hành tinh cười, 600 truyện cười… Hai tiểu thuyết dịch Quà của ChúaHy vọng của Lê Bá Thự đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010 và 2014. Ông cũng đã được nhận tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội cho tác phẩm dịch hay nhất năm 2008: Cầu trên sông Bến Hải và Chụp ảnh với gấu.

Dịch giả Nguyễn Chí Thuật từng học đại học và bảo vệ tiến sĩ về văn học tại Ba Lan, nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tiếng Việt tại Đại học Adam Mickiewicz, Poznań. Ông được xem là cây cầu nối bền chặt giữa văn học Việt Nam và Ba Lan, với nhiều bài viết giới thiệu văn học Ba Lan trên các tạp chí trong nước.

Ông sáng tác thơ bằng tiếng Ba Lan với hai tập đã xuất bản: Từ sông Hồng đến sông Visla và Varta (2011) và Theo dòng sông Varta (2016). Về dịch thuật, Nguyễn Chí Thuật đã giới thiệu nhiều tác phẩm như Chết giữa tam giác những sai lầm, K. Kożniewski, NXB Hà Nội (1988), Hạnh phúc mong manh, tập truyện ngắn của nhiều tác giả, NXB Thanh Niên (2001), Trò chơi phá vòng vây, tập truyện ngắn, NXB QĐND (2002), Nghệ sĩ dương cầm hồi ức của W. Szpilman NXB Hà Nội (2003), Ngày tình nhân cuối cùng (in chung với Nguyễn Thị Thanh Thư), tập truyện ngắn, NXB Trẻ (2012). Ông cũng là người đã dịch và giới thiệu về nhà văn Ba Lan chuyên viết phóng sự Ryszard Kapuścinski trên các tạp chí văn học của Việt Nam. Năm 2015, NXB Phụ nữ đã in cuốn Bố, Các cô ấy và tôi của Manula Kalicka do ông dịch. Năm 2016, NXB Kim Đồng in tập truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Dê con Matô. Gần đây tác phẩm Hoàng đế nổi tiếng thế giới của Ryszard Kapuściński đã được ấn hành. Tác phẩm có giá trị nhất của dịch giả Nguyễn Chí Thuật là bộ tiểu thuyết đồ sộ Búp bê của Bolesław Prus, NXB Phụ nữ ấn hành. Dịch giả Nguyễn Chí Thuật được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017 và 2018.

Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, từng học tại Đại học Bách khoa Wrocław, dù đến với dịch thuật muộn nhưng đã xuất bản khoảng 20 đầu sách, nổi bật là Cô đơn trên mạng - tác phẩm dịch làm nên tên tuổi của bà, được tái bản 10 lần và nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội (2006). Các tác phẩm khác gồm Quan hệ không hợp pháp (2013), Trường học cho các bà vợ (2014), Lâu đài cát (2015), Người đầu tiên trong danh sách (2016)…

Năm 2008, dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ kiệt tác Chàng Tadeusz của Mickiewicz, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia châu Á giới thiệu tác phẩm này. Ông còn dịch Hania, tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi của Henryk Sienkiewicz, NXB Kim Đồng (2010), Kì nghỉ hè với nhà văn của Andrzej Grabowski, NXB Kim Đồng (2011) và tiểu thuyết Nông Dân, tác phẩm đoạt giải Nobel văn học năm 1924 của Władysław Reymont, NXB Lao Động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2012. Một năm sau khi xuất bản, dịch giả đã được giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam. Gần đây nhất, năm 2022, ông ra mắt bản dịch Bieguni - Những người không ngừng chuyển động của Olga Tokarczuk (Nobel 2018).

Dịch giả Thái Linh, tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Warszawa, hiện sống tại Ba Lan, đã giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam hai tác phẩm nổi bật của Ryszard Kapuściński: Du hành cùng HerodotusGỗ mun.

Bên cạnh đó, còn nhiều dịch giả khác như Thanh Lê, Nguyễn Trần Ba, Lâm Quang Mỹ, Lê Nhị Hồng, Từ Đức Hòa, Nguyễn Hồng Thanh… đã góp phần làm phong phú diện mạo văn học Ba Lan tại Việt Nam. Tính đến nay, hơn 120 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, từ kinh điển đến đương đại, tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, tiểu luận… Các tác phẩm của năm nhà văn, nhà thơ Ba Lan đoạt Nobel (Henryk Sienkiewicz, Wladyslaw Reymont, Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska, Olga Tokarczuk) đều đã đến với bạn đọc Việt Nam qua nỗ lực của những dịch giả tận tâm. Qua đó, độc giả Việt hiểu sâu hơn truyền thống và lịch sử Ba Lan, quan sát tốt hơn cuộc sống thường nhật của người Ba Lan và phát hiện ra những nét tương đồng thú vị về tâm lý và vận mệnh của hai dân tộc.

triển lãm sách Ba Lan
Triển lãm sách Ba Lan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháng 5/2025. (Ảnh: Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam)

Đóng góp của các dịch giả được Ba Lan ghi nhận. Bốn dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, Tạ Minh Châu, Lê Bá Thự, Nguyễn Thị Thanh Thư đã nhận Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan. Năm 2023, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan tặng bằng khen cho sáu dịch giả vì đóng góp xuất sắc trong việc quảng bá văn học Ba Lan tại Việt Nam.

Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam luôn đồng hành cùng các dịch giả, tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu tác phẩm dịch tại Đại sứ quán và nhân dịp Ngày văn học châu Âu hàng năm tại Hà Nội. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ba Lan - Việt Nam (1950-2025), ngày 28/5/2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đã tổ chức triển lãm sách Ba Lan và cuộc toạ đàm Văn học Ba Lan tại Việt Nam, với sự tham gia của đông đảo sinh viên, dịch giả, đại diện các NXB và những người yêu văn học.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Joanna Skoczek chúc mừng và hoan nghênh những thành quả ấn tượng của các dịch giả văn học Ba Lan tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Bà cho biết, Đại sứ quán Ba Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ việc giới thiệu các tác phẩm văn học Ba Lan tại Việt Nam, khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động văn học này và khám phá cuộc hành trình đẹp đẽ, thú vị của văn học Ba Lan tại Việt Nam.

Cuộc giao lưu của ba dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, Lê Bá Thự và Nguyễn Thị Thanh Thư với sinh viên, đại diện các NXB và bạn đọc diễn ra sôi nổi. Qua những câu chuyện dịch thuật đầy thử thách, họ chia sẻ nhiều phương pháp, kinh nghiệm để có được bản dịch chính xác và giàu sức gợi.

Dịch giả Lê Bá Thự đúc kết: “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết”. Chính những tâm huyết ấy đã làm nên những nhịp cầu bền vững, đưa văn học Ba Lan đến gần hơn trái tim bạn đọc Việt Nam.

[Infographics] Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ba Lan [Infographics] Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ba Lan
Văn hóa Việt tỏa sáng tại thủ đô Ba Lan Văn hóa Việt tỏa sáng tại thủ đô Ba Lan
Nguyễn Lê
Nguồn:

Tin bài liên quan

Người đưa hình ảnh Hồ Chí Minh đến gần với nhân dân Nga

Người đưa hình ảnh Hồ Chí Minh đến gần với nhân dân Nga

Biết đến Hồ Chủ tịch qua thế hệ cha anh, lớn lên lại được làm việc trong ở một đất nước có mối quan hệ thân thiết với dân tộc Việt Nam. TS. Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á (Viện kinh tế, Viện hàn lâm khoa học Nga), đã được làm một công việc mà ông mong ước: dịch, hiệu đính và giới thiệu những cuốn sách về Hồ Chủ tịch cho những người bạn Nga.
Tiến sĩ giáo dục giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách

Tiến sĩ giáo dục giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách

Bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học tổng hợp Sư phạm Moscow (Nga), Nguyễn Thụy Anh trở về mở CLB đọc sách giúp những đứa trẻ hình thành văn hóa đọc ngay từ lúc mới vào đời.
Igor Britov và câu chuyện đưa kịch Việt Nam đến với bạn đọc Nga

Igor Britov và câu chuyện đưa kịch Việt Nam đến với bạn đọc Nga

Bằng tình yêu với văn học Việt Nam, Igor Britov, giảng viên khoa tiếng Việt tại Trường Kinh tế cao cấp, Đại học Nghiên cứu Quốc gia (Nga) đã dịch vở kịch nổi tiếng “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long sang tiếng Nga. Tạp chí Thời Đại đã có buổi trò chuyện cùng dịch giả Igor Britov.

Đọc nhiều

Trao 34 suất học bổng của Chính phủ Trung Quốc cho học viên Việt Nam

Trao 34 suất học bổng của Chính phủ Trung Quốc cho học viên Việt Nam

Ngày 24/07 tại Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc đã tổ chức Lễ trao giấy nhập học cho ứng viên trúng tuyển Học bổng Chính phủ Trung Quốc năm học 2025 - 2026. Đây là hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ hợp tác giáo dục giữa hai nước, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân và tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Quốc tế kêu gọi Thái Lan - Campuchia kiềm chế, đối thoại hòa bình

Quốc tế kêu gọi Thái Lan - Campuchia kiềm chế, đối thoại hòa bình

Trước căng thẳng leo thang tại biên giới Thái Lan - Campuchia, Liên hợp quốc, Mỹ, EU cùng nhiều nước trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi hai bên kiềm chế, bảo vệ thường dân và giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Hợp tác thúc đẩy phúc lợi cho người Việt tại Hàn Quốc

Hợp tác thúc đẩy phúc lợi cho người Việt tại Hàn Quốc

Tổng Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc (AVCK) và Quỹ Thế giới Yongbong đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) vào ngày 23/7/2025, nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Thỏa thuận góp phần tăng cường nguồn lực phục vụ cộng đồng, đồng thời thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt – Hàn.
Những nhịp cầu đưa văn học Ba Lan đến với bạn đọc Việt Nam

Những nhịp cầu đưa văn học Ba Lan đến với bạn đọc Việt Nam

Suốt hơn bảy thập kỷ, từng trang sách Ba Lan đã vượt ngôn ngữ, vượt khoảng cách địa lý để đến với độc giả Việt Nam. Đằng sau đó là những dịch giả lặng lẽ nhưng đầy đam mê, kiên trì làm nhịp cầu nối hai nền văn học.
Quốc hội Việt Nam và Senegal thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Quốc hội Việt Nam và Senegal thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Ngày 23/7, tại trụ sở Quốc hội Senegal ở Thủ đô Dakar, ngay sau khi hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Senegal El Malick Ndiaye đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước.

Multimedia

Xem trên
infographic dau hieu nhan biet lu quet
so doanh nghiep thanh lap moi va quay tro lai hoat dong tang 265
infographic ky nang tranh bay lua dao du lich mua cao diem
Xin chờ trong giây lát...
[Video] Người truyền cảm hứng về tình yêu nước
Sinh viên Lào đi chùa tắm Phật mừng Tết cổ truyền Bunpimay
[Video] 60 phút - Hành trình thay đổi cuộc đời
MV "Bắc Bling": Cụ già, em nhỏ ngân nga, du khách gần xa tỏ bày hứng thú
[Video] Dự án CAF: Ươm mầm những công dân toàn cầu tương lai
[Video] Du khách quốc tế trải nghiệm lễ Phật đầu năm tại chùa Tam Bảo (Đà Nẵng)
Tết của bác sĩ trực cấp cứu - hồi sức tích cực
Đại sứ nhóm G4 hát "Năm qua đã làm gì"
[Video] Bản hòa ca tình hữu nghị chào năm mới 2025
[Video] 30 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: từ chiến tranh đến đối tác chiến lược toàn diện
[Video] Samaritan’s Purse và Plan International Việt Nam hỗ trợ người dân Việt Nam phục hồi sau bão
[Video] Tái thiết thôn Làng Nủ: Quân đội - Nhân dân đồng hành xây dựng tương lai mới
Dự kiến có khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông

Dự kiến có khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông

Từ nay đến cuối năm 2025 có thể xuất hiện từ 8 - 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó khả năng từ 3-5 cơn đi vào đất liền nước ta.
Người dân chủ động theo dõi thời tiết, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó bão số 3 (Wipha)

Người dân chủ động theo dõi thời tiết, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó bão số 3 (Wipha)

Sáng 19/7, bão số 3 (Wipha) đã vượt qua đảo Lu Dông (Philippines), tiến vào Biển Đông với cường độ ngày càng mạnh. Dự báo trong những ngày tới, bão có thể đạt cấp 12, giật cấp 14, gây mưa lớn, biển động dữ dội, nguy cơ cao xảy ra lốc xoáy, sạt lở. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết, chủ động phòng tránh, chằng chống nhà cửa, không ra khơi và chuẩn bị các phương án ứng phó thiên tai phù hợp.
Những khuyến cáo người dân cần lưu ý để đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão số 3

Những khuyến cáo người dân cần lưu ý để đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão số 3

Sáng 20/7, cường độ bão số 3 (Wipha) mạnh lên đầu cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15. Dự báo trong hôm nay và những ngày tới, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây, sau chuyển tây tây nam hướng về phía nước ta với tốc độ 20-25km/h. Trước diễn biến của bão, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Thời tiết hôm nay (23/7): Bão số 3 đã tan, mưa lớn tiếp diễn ở nhiều khu vực

Thời tiết hôm nay (23/7): Bão số 3 đã tan, mưa lớn tiếp diễn ở nhiều khu vực

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 23/7, dù bão số 3 (Wipha) đã tan nhưng vùng nhiễu động suy yếu từ bão vẫn gây mưa to cho Bắc Bộ và các vùng lân cận.
Bão số 3 Wipha tiếp tục diễn biến phức tạp, tâm bão rất gần Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình

Bão số 3 Wipha tiếp tục diễn biến phức tạp, tâm bão rất gần Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình

Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) tiếp tục diễn biến phức tạp, hoàn lưu rộng, gây ảnh hưởng sớm đến khu vực Bắc Bộ.
Bão số 3 gây mưa dông kèm lốc sét ở Hà Nội, người dân chằng chống nhà cửa sẵn sàng ứng phó

Bão số 3 gây mưa dông kèm lốc sét ở Hà Nội, người dân chằng chống nhà cửa sẵn sàng ứng phó

Dự báo trưa 22/7, bão số 3 đổ bộ đất liền khu vực Hưng Yên - Ninh Bình, hoàn lưu bão gây mưa to và có thể có dông ở khu vực nội thành Hà Nội.