--> -->
Nhờ sử dụng tốt ngôn ngữ cùng sự hiểu biết về văn hóa Trung Quốc, các thế hệ cựu học sinh, giáo viên Việt Nam từng sống và học tập tại Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) đã trở thành những người bắc cầu, nối tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. ____________________________ |
Nơi đào tạo "Hạt giống đỏ" Việt Nam trưởng thành
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Từ khi nhắc nhớ lại những tháng năm dạy học tại Quế Lâm, Trung Quốc. Với ông, đây là quãng thời gian vô cùng khó khăn nhưng đáng tự hào của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh Việt Nam sang làm việc, học tập tại các trường học Việt Nam ở Quế Lâm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt tại Việt Nam. Các em học sinh tham gia chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) Ông Trần Văn Từ tâm sự: Năm 1967, khi mới học xong sư phạm 10+2, tôi được phân công sang dạy môn Toán, môn Lý cho các em học sinh tại trường Nguyễn Văn Bé. Sau này, do yêu cầu của công việc tôi được điều động sang làm công tác đoàn với vai trò Bí thư đoàn trường và Bí thư Khu đoàn gồm tất cả các trường học của Việt Nam tại Quế Lâm. Sau 8 năm làm việc tại Quế Lâm, năm 1975 tôi trở về nước tiếp tục học đại học. Trong tâm trí của thầy giáo Trần Văn Từ luôn hiện hữu hình ảnh thế hệ các em học sinh Việt Nam phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ để đi “tìm con chữ” nơi đất khách quê người. |
Thầy Trần Văn Từ tại ngọn đồi cạnh khu trường ở Quế Lâm, năm 1971. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) |
“Các em phải xa gia đình khi còn rất nhỏ, đứa bé nhất mới 6 tuổi, trong đó có nhiều em phải đi bộ từ miền nam, miền trung, vượt hàng nghìn cây số trong mưa bom bão đạn để sang đây học tập, trong lúc bố mẹ các em đang chiến đấu ngoài mặt trận, không biết sống chết thế nào. Hình ảnh các “hạt giống đỏ” (tên gọi yêu thương dành cho các học sinh Việt Nam) kiên cường, vượt qua khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới là động lực để chúng tôi toàn tâm với công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, thầy Từ xúc động nói. Theo thầy Trần Văn Từ, nhờ sự đùm bọc, hỗ trợ nhiệt tình, hết lòng của nhân dân Quế Lâm, các thế hệ học sinh Việt Nam đã có được môi trường học tập hòa bình. Từ môi trường đào tạo này, “những hạt giống đỏ” đã lần lượt trưởng thành, trở thành những con người có ích, đảm nhận những vị trí quan trọng, có ích cho đất nước. |
Trong nhiều năm qua, thầy Trần Văn Từ luôn tích cực tham gia vào các hoạt động liên lạc, kết nối với các thế hệ cựu học sinh, cán bộ giáo viên đã từng học tập và làm việc tại các trường học Việt Nam ở Quế Lâm. Các em học sinh Việt Nam tham gia các hoạt động văn nghệ do khu trường tổ chức. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) “Năm 1976, tôi trở về nước trong bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, kinh tế còn nhiều khó khăn nên không thể liên lạc được với các thầy cô từng công tác tại Quế Lâm. Phải đến năm 1999, khi cuộc sống ổn định hơn, tôi mới bắt đầu hành trình đi tìm lại những người học trò năm xưa, kết nối lại kỷ niệm một thời. Cũng từ đó, mạng lưới Ban liên lạc học sinh Quế Lâm được hình thành, lan rộng khắp cả nước. Sau khi liên lạc được với những đầu mối quan trọng, chúng tôi duy trì tổ chức các chuyến trở lại thăm trường cũ mỗi năm. Khi biết rằng Đại học Sư phạm Quảng Tây là nơi lưu giữ những dấu tích còn lại của các trường học Việt Nam tại Quế Lâm, chúng tôi đã cùng nhau đóng góp công sức, vật chất, và trên hết là tấm lòng để bảo tồn những kỷ vật đầy ý nghĩa ấy. Với những thương binh, bệnh binh và các em học sinh đã mãi mãi nằm lại nơi đất khách, chúng tôi cũng chung tay vận động, quyên góp xây dựng một khu mộ khang trang, để họ được yên nghỉ trong sự trân trọng, biết ơn và tình nghĩa sâu nặng của những người đồng hương”, thầy Trần Văn Từ chia sẻ. |
Học sinh Việt Nam học tập tại Quế Lâm, Trung Quốc. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) |
Bác YNgong - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc các trường học Việt Nam tại Quế Lâm tham gia lao động cùng bạn Trung Quốc. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) |
Luôn biết ơn và khắc ghi tình cảm của nhân dân Quế Lâm
Đ
Đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi kể lại kỷ niệm về những tháng ngày sống và học tập tại Quế Lâm, Trung Quốc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn không khỏi xúc động. Với cô, Quế Lâm là một phần tuổi thơ, là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng để sau này trở thành một người có ích cho xã hội. Cô Nguyễn Kim Nữ Hiếu kể: Năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra cam go, để bảo đảm an toàn, tôi và các bạn được đưa sang Trung Quốc học tập. Nhà ở an toàn khu Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tôi phải đi bộ, băng rừng, lội suối vài trăm cây số mới đến được trường học ở Quế Lâm. Cô Nguyễn Kim Nữ Hiếu (thứ 2 từ phải sang), nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là một trong những thế hệ đầu tiên sang học ở Quế Lâm vào năm 1953. “Khi sang Quế Lâm, tôi theo học lớp 5 tại trường dành cho các học sinh Việt Nam (sau này đổi thành tên tiếng Trung Quốc là Dục Tài học hiệu). Cùng thời điểm đó, tại đây có khoảng 1.000 học sinh Việt Nam học từ lớp vỡ lòng đến lớp 6. Phần lớn các học sinh sang Trung Quốc học khi đó còn rất bé, người bé nhất mới 6 tuổi và lớn nhất mới 13 tuổi. Lần đầu tiên xa gia đình đi học tại nơi xa nên các em rất yêu thương, đùm bọc nhau… Để giúp học sinh vơi đi nỗi nhớ nhà, tập trung vào việc học tập, các thầy cô giáo cũng như các cô chú trong trường đều chăm lo chăm sóc chúng tôi chu đáo mặc dù thời điểm đó cuộc sống của người dân Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì đất nước vừa giải phóng. Chúng tôi được các bác, các cô chú coi như con ruột trong gia đình”, cô Hiếu chia sẻ. “Khi đó, bác sĩ Đặng được phân công chăm sóc sức khỏe cho chúng tôi. Trong thời gian đó, có học sinh tên Hồ Sĩ Tá lớp 1 bị ngã xuống hồ sau trường. Khi được mọi người vớt lên thì bạn ấy bị rách khá to ở đuôi mắt, sau khi hồi sức để học sinh tỉnh và đưa đi vá mắt, bác sĩ Đặng đã lấy mỡ ở cánh tay để vá vết thương cho học sinh. Hành động đó của bác sĩ Đặng đã in dấu không bao giờ quên đối với những học sinh Việt Nam đang học ở Quê Lâm thời điểm đó”, cô Hiếu xúc động nhớ lại. |
Các cán bộ y tế của các trường học Việt Nam tại Quế Lâm. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) |
Các cán bộ làm việc tại văn phòng các trường học Việt Nam tại Quế Lâm. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp) |
Có thể nói, trong thời gian học tập tại Quế Lâm, chúng tôi được giáo dục một cách toàn diện đầy đủ (cả về kiến thức, kỹ năng sống) đúng như mong ước của Đảng là muốn đào tạo được thế hệ sau này có ích, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng của đất nước. Giờ khi tuổi đã cao, cô Nguyễn Kim Nữ Hiếu vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc (thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam). Thông qua các hoạt động của hội, có thể lưu giữ lại tình cảm mà người dân Quế Lâm nói riêng, cũng như người dân Trung Quốc đã dành cho những thế hệ học sinh đã từng được sang học tại Quế Lâm; đồng thời góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. |
Những người bắc cầu nối giữa nhân dân hai nước Việt-Trung
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang khẳng định, các thế hệ học sinh Việt Nam từng học tại Trung Quốc có đóng góp đáng kể cho quan hệ Việt-Trung. Với công cụ ngôn ngữ là tiếng Trung Quốc, sự hiểu biết về văn hóa Trung Quốc cộng với vốn kiến thức tiếp thu được trong thời gian sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc, các thế hệ cựu học sinh, giáo viên Việt Nam đã trở thành những người bắc cầu nối tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Trong các thế hệ đó, cũng cần hiểu sự khác biệt quan trọng giữa những lưu học sinh từng học tại Quế Lâm những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với các thế hệ sau này. |
Các em học sinh tham gia trồng khoai để cải thiện cuộc sống. (Ảnh do ông Trần Văn Từ cung cấp)
Bởi thế thứ mà những học sinh này mang về nước, ngoài những gì kể trên, còn có thêm tình cảm hữu nghị của nhân dân Trung Quốc. Những kỷ niệm của họ đã trở thành những động lực đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị hai nước. Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc |
Nhấn mạnh ý nghĩa của chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ” tổ chức ngày 20/3 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc Nguyễn Vinh Quang cho biết: Tại chương trình, chúng ta đã được nghe kể những kỷ niệm hết sức xúc động của lưu học sinh. Những câu chuyện đó được kể cho thế hệ sau, một hình thức ôn lại quá khứ quan hệ hai nước một thời, để không bao giờ quên. Nhưng đặc biệt quan trọng là có sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bản thân Tổng Bí thư cũng xúc động, thể hiện trong những lời phát biểu đầy tâm huyết và đó cũng là ý kiến chỉ đạo của Đảng trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai bên đã nhất trí cùng chung tay xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đồng thời nêu ra định hướng “6 hơn” nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước phát triển bền vững, ổn định, thực chất hơn trong giai đoạn hiện nay. Với tư cách là lãnh đạo của Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, chúng tôi hiểu rằng, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc hơn chính là xây dựng nền tảng lòng dân, tăng cường lòng tin trong nhân dân hai nước. Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dự chương trình Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ, ngày 20/3/2025. (Ảnh: TTXVN) Theo Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc Nguyễn Vinh Quang, đó là nhiệm vụ chung, nhưng tổ chức đóng vai trò cốt lõi là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, trong đó vai trò tiên phong là Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Lãnh đạo hai nước đã đạt được thỏa thuận coi năm nay, năm 2025 là năm giao lưu nhân văn, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc cùng phối hợp với phía Trung Quốc, đã định ra kế hoạch và sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung kế hoạch và sáng kiến mới về hoạt động giao lưu nhân dân hai nước trong thời gian tới. Cụ thể như, năm nay sẽ có Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung lần thứ 13 tổ chức tại Việt Nam. Đây là diễn đàn do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc đồng chủ trì với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhân sĩ hữu nghị hai nước. Một số hoạt động giao lưu khác như gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị nhân dịp lãnh đạo cấp cao hai nước thăm lẫn nhau, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, giao lưu nhân dân biên giới Việt-Trung… cũng sẽ được tiến hành. |
Theo Báo Nhân dân https://special.nhandan.vn/hoc-sinh-viet-nam-tai-trung-quoc/index.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR5AIoHpzpLcqVAX-bahJ3UNubfcdmuxKUxDtvgkOlvOspa-oWDg1MsHmIQtZA_aem_YVK-XGqjrNFSrK4fix9u6A |